HƯỚNG DẪN
Tuyên truyền về công tác biên giới trên đất liền
Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia
và tuyên truyền về biển đảo năm 2016
Thực hiện Hướng dẫn số 05 /HD-LĐLĐ ngày 16/03/2016 của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội về tuyên truyền về công tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia và tuyên truyền về biển đảo năm 2016. Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội hướng dẫn các công đoàn cơ sở triển khai thực hiện với những nội dung trọng tâm sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong CBGV, NV về công tác quản lý biên giới, công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xác định được đường biên giới trên đất liền với hệ thống mốc giới hiện tại giữa nước ta với các nước có chung đường biên giới.
- Công tác tuyên truyền cần tạo sự thống nhất cao trong CBGV, NV, đảng viên trong Ngành Giáo dục Thủ đô đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác biên giới trên đất liền, thống nhất và nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ được Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CBGV, NV về vấn đề biên giới, lãnh thổ và tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, cùng hợp tác và phát triển với các nước láng giềng; về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, động viên phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc tạo chuyển biến trong hành động, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội cao trong CBGV, NV góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
2. Yêu cầu
- Xác định công tác tuyên truyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của các đơn vị.
- Công tác tuyên truyền về biên giới trên đất liền, tuyên truyền biển đảo cần bảo đảm chủ động, nhạy bén, bài bản; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, có hiệu quả tới các đối tượng cần tuyên tuyền, nhất là về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và các tình huống đột xuất.
- Định kỳ tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác tuyên truyền về biên giới trên đất liền và tuyên truyền về biển đảo gắn với việc đánh giá tổng kết công tác hàng năm đơn vị, nâng cao chất lượng các mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Nội dung tuyên truyền
a. Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc
- Tiếp tục tuyên truyền về kết quả, ý nghĩa lịch sử của việc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và giá trị của việc xây dựng, quản lý đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước; nội dung các văn kiện pháp lý song phương về biên giới Việt Nam - Trung Quốc và yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý biên giới trong giai đoạn hiện nay. Tập trung tuyên truyền quán triệt, làm rõ các nội dung, nhiệm vụ, quyền và lợi ích của các bên được quy định trong hai Hiệp định vừa ký kết trong năm 2015: Hiệp định về khu vực tàu thuyền tự do đi lại khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác, khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc; đồng thời tuyên truyền về công tác triển khai thực hiện hai Hiệp định trên thực tế.
- Chủ động, tích cực nắm, dự báo tình hình; kịp thời cung cấp đầy đủ, chính xác và xử lý nhanh chóng, tích cực thông tin, dư luận về những vấn đề phức tạp nảy sinh trên tuyến biên giới và khu vực biên giới.
- Chú trọng động viên, khuyến khích CBGV, NV Thủ đô tham gia ủng hộ các hoạt động bảo vệ đường biên, cột mốc; bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới. Tuyên truyền về hoạt động kết nghĩa giữa các đồn biên phòng Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc và mối quan hệ thân thuộc truyền thống giữa các cụm dân cư hai bên biên giới; chú ý tuyên truyền góp phần nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến tham gia các công tác bảo vệ biên giới, lãnh thổ và phát triền kinh tế vùng biên.
- Tích cực tuyên truyền nhằm góp phần ngăn chặn, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực và hành vi vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới. Tiếp tục đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, sai sự thật về vấn đề biên giới và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm củng cố lòng tin và xây dựng, bồi đáp mối quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước. Thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Lồng ghép các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác biên giới với tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
b. Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Lào
- Tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên biên giới đất liền đối với cả hai quốc gia Việt Nam và Lào trong bối cảnh hiện nay. Tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng và quản lý biên giới hòa bình, hữu nghị với bảo đảm an ninh biên giới, phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng biên; tập trung quán triệt, tuyên truyền nội dung các văn bản pháp lý song phương về biên giới mới được ký kết giữa hai nước.
- Khẳng định sự quan tâm, ủng hộ, tình cảm gắn bó thủy chung giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân ta với Đảng, Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào. Khuyến khích, động viên, nâng cao ý thức trách nhiệm của CBGV,NV trong bảo vệ đường biên, mốc giới và an ninh, trật tự khu vực biên giới.
c. Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia
- Chủ động nắm thông tin, phân tích và tổng hợp tốt tình hình, diễn biến trong xã hội và tâm trạng CBGV,NV về các vấn đề có liên quan đến công tác biên giới. Kịp thời có điều chỉnh về phương pháp tiếp cận và giải quyết các vấn đề nhạy cảm về công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa và an ninh biên giới.
- Đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Tuyên truyền củng cố niềm tin, tình đoàn kết, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của đội ngũ chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín tại địa phương đối với các hoạt động quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới theo quy định của pháp luật, ủng hộ các hoạt động gắn kết giữa nhân dân và chính quyền khu vực biên giới hai nước.
- Tiếp tục đa dạng hóa các phương pháp, hình thức tuyên truyền. Chú trọng tuyên truyền bằng tiếng Khmer và ngôn ngữ các dân tộc ít người tại khu vực có đồng bào người Khmer và đồng bào các dân tộc ít người sinh sống; tăng cường thông tin đối ngoại bằng các ngôn ngữ nước ngoài, giúp nhân dân thế giới có đầy đủ thông tin, hiểu và ủng hộ quan điểm giải quyết vấn đề biên giới của Việt Nam.
- Ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, hiệu quả với các quan điểm, thông tin và hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, biên giới, lãnh thổ nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Campuchia.
d. Đối với tuyên truyền biển đảo
- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về vị trí, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự thống nhất trong hành động của CBGV, NV đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời giữ gìn, vun đắp mối quan hệ hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với các quốc gia trong khu vực Biển Đông; bình tĩnh, thận trọng, tỉnh táo trong việc tiếp cận các nguồn thông tin, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực cơ hội, thù địch lợi dụng vấn đề tranh chấp trên biển để xuyên tạc, kích động, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Tuyên truyền, phổ biến kịp thời, sâu rộng đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về các vấn đề liên quan tới biển, đảo trong các văn kiện, nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tăng cường, củng cố niềm tin của CBGV, NV Thủ đô vào sự lãnh đạo, ý chí, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển; tuyên truyền để CBGV, NV hiểu đúng, đầy đủ, sâu sắc và nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và Thành phố về biển, đảo.
- Tiếp tục tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến vấn đề biển, đảo, như: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các nguyên tắc, thỏa thuận có liên quan đến biển, đảo đã ký giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Biển Đông; Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) khi được thông qua. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại để bạn bè, dư luận quốc tế hiểu chính xác, đầy đủ về lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông và các vùng biển khác của Việt Nam; cung cấp những chứng cứ lịch sử, căn cứ pháp lý và thực tiễn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam. Tiếp tục tuyên truyền củng cố lòng tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế đối với Việt Nam.
- Đẩy mạnh tuyên truyên về xây dựng và phát triển kinh tế biển; về các cá nhân và tập thể tiên tiến, điển hình trong phát triển kinh tế biển, các hoạt động phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền; về hoạt động thực hiện quy hoạch, quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên biển; chú trọng tuyên truyền phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển đảo, bảo vệ môi trường biển; về vấn đề nước biển dâng và biến đổi khí hậu; về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
- Tiếp tục tuyên truyền đấu tranh chống các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trên biển; các hoạt động khai thác trái phép, vi phạm chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng đến quan hệ các nước trong khu vực. Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về chính sách hậu phương quân đội; khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biển đảo; tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm, các hoạt động của CBGV,NV, của đơn vị với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm làm nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
2. Hình thức tuyên truyền
- Căn cứ tình hình, nhiệm vụ, điều kiện cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để lựa chọn hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý biên giới; công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền, công tác biển đảo như: sách, báo, tài liệu tuyên truyền, panô, áp phích, tờ rơi, triển lãm, thi tìm hiểu, thi sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật về biên giới; tổ chức các cuộc trao đổi tọa đàm, đối thoại, hội nghị, hội thảo, thông tin tuyên truyền miệng; phát động các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong CBGV, NV.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, giao lưu, kết nghĩa, tặng quà của CBGV, NV Thủ đô với nhân dân, cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng trên các vùng biên giới, biển và hải đảo của Tổ quốc…
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội xây dựng, hướng dẫn Công đoàn cơ sở trực thuộc triển khai thực hiện và tổ chức các hoạt động tuyên truyền tới CBGV, NV toàn ngành.
2. Các Công đoàn cơ sở trực thuộc
Xây dựng kế hoạch, triển khai hướng dẫn tuyên truyền đến 100% cán bộ giáo viên, nhân viên.
Báo cáo kết quả thực hiện về Công đoàn Giáo dục Hà Nội qua địa chỉ mail congdoangd@hanoiedu.vn trong báo cáo năm học.