Kết hợp trí tuệ và cơ bắp
Kết thúc tiết dạy, thay vì nghỉ ngơi để chuẩn bị cho tiết dạy tiếp theo, cô giáo tiểu học P.T.N ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ, Hưng Yên) lại hì hục với bảng điểm, đống sổ sách đánh giá học sinh và nghiên cứu tài liệu để chuẩn bị cho bài học mới. Về nhà, những lúc rảnh rỗi cô lại tranh thủ lên mạng tra cứu tài liệu tham khảo để soạn bài và bổ sung thông tin cho bài học ngày mai thêm phần sinh động, hấp dẫn nhằm thu hút được học sinh tham gia vào các hoạt động học.
Trên thực tế, thời gian làm việc của giáo viên đã vượt ra khỏi số giờ dạy trên lớp. Hiện nay, giáo viên tiểu học không những chỉ dạy kiến thức mà còn phải chăm sóc học sinh như những đứa con của mình. Họ phải ở trường từ 7 giờ 30 phút và rời trường sớm nhất cũng phải 17 giờ. Ngành nghề khác thì quy định làm việc từ 8 đến 9 tiếng một ngày, nhưng giáo viên không xác định được thời gian làm việc. Bởi vì sau những ngày dạy, giáo viên còn phải soạn bài, chấm bài và làm nhiều việc khác.
Chia sẻ công việc của giáo viên, ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh: Lao động của giáo viên là lao động đặc biệt và có tính đặc thù. Bởi sản phẩm của GD là con người, trong đó giáo viên đóng vai trò quyết định đến chất lượng của sản phẩm giáo dục.
Lao động nhà giáo là kết hợp cả lao động trí tuệ và lao động cơ bắp, nhưng trên hết, nhà giáo là những người giàu tình cảm, có khả năng truyền cảm hứng cho người học. Giáo viên không chỉ cần kiến thức chuyên môn tốt mà cần có phông kiến thức rộng để có thể tổ chức tốt được hoạt động GD; có khả năng giải đáp được những câu hỏi của học trò. Đó là những phẩm chất và năng lực đặc biệt của nhà giáo mà không phải ngành nghề nào cũng có.
“Chẳng hạn như, đối với giáo viên mầm non, trình độ có thể là trung cấp, cao đẳng nhưng công việc của họ không thể đơn giản chỉ nhìn vào bằng cấp. Bởi vì, ngoài yếu tố kiến thức chuyên môn, thì giáo viên mầm non cần sự khéo léo, tỉ mỉ và đặc biệt là tình yêu thương con trẻ. Họ không chỉ dạy mà còn dỗ học trò của mình” - ông Hưng dẫn giải.
Ảnh minh họa
Cần có chế độ đặc biệt
“Tôi đồng tình với quan điểm: Lao động nhà giáo là kết hợp cả lao động trí tuệ và lao động cơ bắp. Bằng kiến thức của mình, giáo viên dạy học sinh vận dụng bài học vào trong cuộc sống. Từ đó truyền cảm hứng khởi nghiệp và lập nghiệp cho học sinh”.
TS Nguyễn Văn Hòa
Khẳng định, lao động của nhà giáo là lao động sư phạm rất đặc biệt, TS Nguyễn Văn Hòa - nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Trường Đại học Thủ đô) phân tích: Nghề dạy học là dạy học sinh, đào tạo con người bằng chính nhân cách của mình.
Thầy giáo phải là tấm gương về mọi mặt và phải chủ động thay đổi cách nghĩ, cách làm; phương pháp dạy học để phù hợp với yêu cầu của thời đại. Thay đổi phương pháp dạy học không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn khơi gợi và truyền cảm hứng cho học sinh. Dạy học bây giờ không chỉ là lý thuyết mà các thầy, cô phải có khả năng thực hành tốt, giúp cho học sinh có những ý tưởng và đưa được ý tưởng đó vào thực tiễn.
“Tôi nghĩ, đối với lao động đặc thù của giáo viên như vậy thì họ phải có đồng lương xứng đáng. Lương 5 - 7 triệu đồng, thậm chí 10 triệu đồng/tháng cũng chưa đủ bù đắp với công sức và trí tuệ mà họ đã bỏ ra. Vì thế cần có cơ chế đãi ngộ đặc biệt hợp lý để tạo động lực cho các nhà giáo cống hiến cho GD” - TS Nguyễn Văn Hòa đề xuất.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ủng hộ đề xuất nhà giáo có mức lương xứng đáng với đặc thù nghề nghiệp. Vì thế nếu xác định lao động của nhà giáo có tính chất đặc thù thì chúng ta có thể vận dụng để có mức ưu tiên cho nhà giáo.
Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật GD (Sửa đổi) mới nhất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có nêu: Nhiều đại biểu đề nghị cần có chính sách tiền lương ưu tiên đối với nhà giáo. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, vấn đề chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhà giáo là quan điểm luôn được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước.
Hiện nay, Chính phủ triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương. Vì vậy dự thảo Luật thiết kế quy định mang tính nguyên tắc về chính sách ưu tiên cho nhà giáo phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Việc xác định vị thế, vai trò của nhà giáo về đặc thù ngành GD và quy định cụ thể về chính sách tiền lương, phụ cấp bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp sẽ được Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong quá trình xây dựng Đề án tiền lương mới trên nguyên tắc quy định bởi Luật này.