1. Kĩ năng tự lập.
Đây là kĩ năng sống quan trọng đối với mỗi con người, không phải chỉ riêng trẻ nhỏ. Cha mẹ cần rèn luyện tự lập cho trẻ ngay từ bậc tiểu học bởi đây sẽ là nền tảng cơ bản để con có thể chủ động giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Có thể bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như để trẻ dọn bàn ăn và tự ăn cơm, tự tắm rửa và mặc quần áo. Những việc gì trẻ có thể làm thì hãy để trẻ làm, không nên “tranh” việc của trẻ và hãy kiên nhẫn quan sát con làm. Cha mẹ chỉ nên can thiệp khi con cần giúp đỡ và chỉ làm ở mức độ hỗ trợ chứ không phải làm thay. Đây là kỹ năng sống cho trẻ tiểu học đầu tiên mà bạn nên xây dựng dần cho con.
Ở lớp, giáo viên cũng rèn cho học sinh kĩ năng tự lập bằng việc trong một số hoạt động học, cho các em độc lập suy nghĩ, tìm phương án tối ưu cho bài học sau đó báo cáo trước lớp. Cho học sinh làm bài cá nhân sau đó có kiểm tra lại để các m có trách nhiệm với bài làm của mình. Giáo viên cũng rèn cho học sinh tính tự lập qua các hoạt động hàng ngày trên lớp như trong giờ bán trú, tự đi bê khay ăn của mình mang về bàn, rèn tính ăn gọn gàng và đúng thời gian, sau đó biết dồn thức ăn thừa và để vào thùng đúng quy định. Giáo viên cũng rèn cho học sinh tính tự lập trong giờ ngủ trưa như tự trải chiếu ra ngủ, gấp chăn gối gọn gàng sau khi ngủ dậy,..
2. Quản lí cảm xúc
Quản lý cảm xúc là kĩ năng sống cho trẻ tiểu học mà giáo viên và cha mẹ không nên bỏ qua. Phát triển trí tuệ cảm xúc tốt là tiền đề để con trẻ xây dựng các mối quan hệ xã hội. Việc duy trì trạng thái cân bằng cảm xúc và tâm lý sẽ giúp trẻ phát huy tốt khả năng học tập. Cô giáo và cha mẹ cần giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc bằng cách dạy con cách nhận biết cảm xúc khi chúng xuất hiện và phân biệt các cảm xúc với nhau. Tiếp theo đó là xử lý các cảm xúc cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, từ đó có các phản ứng thích hợp. Ví dụ như với các tình huống nóng giận, con cần làm gì để kiềm chế cảm xúc của bản thân, cách để tạo được sự đồng thuận và thấu hiểu với mọi người bằng các bước: khám phá - hiểu - cùng tham gia - hợp tác.
3. Kĩ năng làm việc nhóm
Nhắc đến kĩ năng sống cho trẻ thì không thể thiếu kĩ năng làm việc nhóm. Hãy dạy cho trẻ biết trách nhiệm của bản thân và chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm vì lợi ích cũng như mục tiêu cuối cùng của cả nhóm. Làm việc nhóm còn giúp con phá triển những kĩ năng xã hội và cách để xây dựng, duy trì các mối quan hệ. Cách dạy kĩ năng này rất đơn giản, ở nhà bố mẹ có thể tạo ra tình huống để cả nhà cùng làm việc với nhau như phân công là việc nhà, cùng nấu ăn hoặc cùng làm đồ chơi,…Hoặc tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời như cắm trại, trại hè,….mỗi kỳ nghỉ. Ở lớp, con làm việc nhóm theo yêu cầu của bài học. Giáo viên tạo các tình huống yêu cầu các bạn thảo luận, thống nhất và đưa ra ý kiến. Chắc chắn rằng đây sẽ là kĩ năng sống tốt cho trẻ tiểu học, tạo điều kiện cho các em có những hoạt động chung sau này.
4. Kỹ năng giao tiếp
Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, giúp học sinh dễ dàng hòa nhập với bạn bè, thầy cô giáo và mọi người xung quanh. Các em có thể phát triển ngôn ngữ tốt hơn đồng thời biết cách phản xạ và ứng xử trong các tình huống khác nhau.
Bắt đầu từ khi các em học ở lứa tuổi mầm non, các em sẽ bắt đầu giao tiếp nhiều hơn. Không chỉ thông qua hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ (nét mặt, cử chỉ, ánh mắt…) như trước, các em sẽ bắt đầu sử dụng giao tiếp ngôn ngữ (lời nói) để thể hiện thái độ, cảm xúc của mình. Vì vậy, đây là thời điểm rất quan trọng để học sinh rèn luyện kĩ năng giao tiếp và các kĩ năng xã hội khác.
Thầy cô và bố mẹ cần dạy cho các em từ việc nói đủ chữ, diễn đạt phù hợp khi nói chuyện đến những thói quen đơn giản nhất như chào hỏi, lễ phép với người lớn, biết cách nói lời cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, học cách nhường nhịn… Những điều này sẽ giúp học sinh hình thành được lối sống chuẩn mực trong tương lai.
Kĩ năng giao tiếp đóng vai trò tất yếu trong những kỹ năng sống cho học sinh. Độ tuổi tiểu học là giai đoạn hoàn hảo để gia đình và nhà trường dạy trẻ kĩ năng này. Đối với gia đình, cha mẹ nên dạy trẻ cách giao tiếp phù hợp với người lớn, bạn bè bằng tuổi và cách em nhỏ hơn như thế nào. Thêm vào đó, cũng nên dạy các em các hình thức giao tiếp khác nhau như: giao tiếp bằng lời nói, giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể, kĩ năng sử dụng ngôn từ tùy vào tình huống sao cho phù hợp. Không chỉ là kĩ năng sống cho trẻ tiểu học mà bất cứ trẻ ở lứa tuổi nào cũng cần xây dựng được kĩ năng này.
5. Kĩ năng tự bảo vệ bản thân.
Nếu theo dõi tình hình xã hội hiện nay, sẽ thấy rằng nguy hiểm có thể rình rập khắp mọi nơi mà cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh bảo vệ con 24/7. Vì vậy, thầy cô và bố mẹ hãy dạy con kĩ năng tự bảo vệ bản thân cũng như cách xử lý các tình huống nguy hiểm. Để dạy hiệu quả, thầy cô và cha mẹ hãy cùng con đóng những tình huống ở nhà hay ở nơi công cộng và rút ra cách giải quyết. Như vậy, các em sẽ học nhanh và nhớ lâu hơn. Ngoài ra, có thể tạo vài thử thách nhằm tạo cơ hội để chúng biết cách xử lý tình huống như thế nào là phù hợp coi như những bài kiểm tra sau khi học.
Dạy kĩ năng sống cho trẻ là điều vô cùng cần thiết cần quan tâm đầy đủ và toàn diện. Chính vì vậy, sự phối hợp giáo dục của gia đình và nhà trường vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ xây dựng và phát triển các kỹ năng sống.