Lười đọc vì đâu
Trước hết, phải thẳng thắn nhìn nhận hiện nay thói quen đọc sách của trẻ ngày càng ít bởi các em có quá nhiều sự lựa chọn đồng thời là sự tri phối trong vấn đề giải trí.
Có thể kể tới hàng loạt kênh thu hút mạnh mẽ sự giải trí của trẻ như: Truyền hình; Trò chơi điện tử, điện thoại, Ipat… Với thời cuộc công nghệ số 4.0 phát triển như vũ bão các trò chơi giải trí qua mạng vô cùng phong phú hấp dẫn. Không chỉ người lớn bị hấp dẫn mà trẻ em càng bị thu hút số lượng lớn.
Ban đầu, trẻ đến với công nghệ số giải trí như một điều mới mẻ phong phú về hình thức nhưng càng chơi càng bị ham mê. Nhiều em quên cả ăn, ngủ, học hành… để chìm vào các trò chơi online. Thậm chí, mỗi khi chơi game tính cách của trẻ có sự thay đổi khó chịu, trẻ mải miết với game không nghe ai nói, khó chấp nhận việc thua cuộc, cáu kỉnh phản ứng khi bố mẹ thầy cô nhắc tới.
Tại trường lớp, đặc biệt với các trường vùng khó khăn, vùng cao… thư viện nhà trường còn nhiều khó khăn. Số lượng và chất lượng sách, truyện chưa cao, không gian thư viện trường học chật hẹp trong khi đó số lượng học sinh đông. Nhiều thư viện nhà trường chưa linh động trong cách khuyến khích học sinh đọc sách truyện.
Về phía các gia đình, nhiều cha mẹ chưa có thói quen mua sách cho con. Việc khuyến khích con đọc sách truyện cùng con đọc sách không trở thành hoạt động hàng ngày. Bản thân cha mẹ cũng thờ ơ và lười đọc nên không tạo cho trẻ một tấm gương, thói quen đọc sách.
Có thể thấy, để tạo cho trẻ thói quen, văn hóa đọc sách ngay từ khi các em biết đọc là một điều cần thiết. Tuy nhiên, dưới sự tác động của nhiều yếu tố mà thói quen này vẫn đang bị xem nhẹ, thậm chí không được quan tâm từ chính người lớn. Cần tạo cho trẻ một nền tảng văn hóa, kiến thức từ sách truyện… cần được nhìn nhận đúng tầm quan trọng và có cách làm đúng hướng từ mọi phía: Gia đình, nhà trường, xã hội.
Tạo cảm hứng với sách
Trường học là một kênh đưa sách tới học sinh gần gũi và hiệu quả nhất. Chính vì vậy, việc nâng cấp về cơ sở vật chất, nhân lực cho thư viện nhà trường, cách bố trí xây dựng thư viện xanh trong trường cần được nâng cấp và coi đây là hoạt động quan trọng để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học.
Theo ghi nhận thực tế, tới nay còn rất nhiều trường học chưa có thư viện riêng cho giáo viên và học sinh. Điều đó có nghĩa, học sinh chưa có không gian riêng để đọc. Thậm chí, vẫn tồn tại trường học chưa có thư viện, nhiều trường học có thư viện nhưng lại chưa đạt chuẩn về diện tích sử dụng, không có cán bộ thủ thư chuyên trách. Chất lượng thư viện trường học chưa tạo nên thói quen, nhu cầu, cảm hứng đọc sách của học sinh.
Mặt khác, để tạo nên hiệu quả từ đọc sách thư viện nhà trường thì các trường phải hết sức quan tâm lưu ý trong việc tạo ra những quy chuẩn ngày càng cao trong lựa chọn sách. Thư viện trường học phải tùy theo tâm lý, lứa tuổi, cấp bậc học, nhu cầu đọc của từng nhóm học sinh, theo vùng miền… để tạo ra những tủ sách phù hợp.
Trên thực tế, nhiều trường học nguồn sách có được chủ yếu từ hoạt động xã hội hóa thì nguồn sách và chất lượng sách còn khá yếu bởi không có sự chọn lọc kĩ càng. Nghiêng về số lượng thay chất lượng. Thậm chí chất lượng sách phụ thuộc vào các đơn vị xã hội hóa, thủ thư chọn sách theo chủ quan, và phân loại sách theo các đơn vị tặng sách.
Về phía các gia đình, cha mẹ là người có trách nhiệm sự ảnh hưởng lớn tới trẻ trong vấn đề hình thành thói quen đọc sách. Đôi khi để dẫn dụ trẻ đến với sách cha mẹ không nhất thiết phải cho con tiếp xúc với những loại sách quá kinh điển, quá dày. Vì điều đó sẽ tạo cho trẻ cảm giác tâm lý ngộp trong kiến thức và ngại đọc. Bắt đầu có thể chỉ cần những cuốn sách truyện nhỏ, đa dạng nội dung thể loại, tạo cảm hứng bắt mắt, kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Ở lứa tuổi nhỏ trẻ thường hứng thú với những thể loại truyện tranh, sách tham khảo hoặc sách tìm hiểu về những sự vật hiện tượng kỳ bí trong cuộc sống thay vì phải đọc những cuốn truyện nặng về giáo dục, văn học, tiểu thuyết…
động viên trẻ được đọc những cuốn sách truyện phù hợp lứa tuổi.
Để hoạt động đọc sách, truyện đạt hiệu quả cao cha mẹ cần dành thời gian cùng con trò chuyện về nội dung đó lúc trước và sau khi trẻ đọc sách. Đặt cho con những câu hỏi về sách, hỏi xem trẻ nghĩ gì về những hình ảnh, chi tiết, cách minh họa, cốt truyện. Sau khi con đọc xong hãy thảo luận xoay quanh các nội dung của sách. Khuyến khích trẻ kể lại câu chuyện theo khả năng của mình sau khi đọc. Cho trẻ được nói lên suy nghĩ muốn đọc dạng sách truyện nào? hình thức ra sao, nội dung và cốt truyện có thích không và không phù hợp, thiếu hứng thú ở chỗ nào. Từ đó có cách để hướng cho trẻ đến với những sách truyện phù hợp nhất.
Một trong những cách để giúp trẻ ham đọc từ gia đình, bố mẹ đó là trở thành tấm gương về ham đọc sách cho con noi theo. Nếu bố mẹ chỉ đắm mình vào điện thoại, trò chơi trên máy tính thì trẻ cũng nhanh chóng bị ảnh hưởng và cuốn theo. Nếu cha mẹ là những người ham đọc sách, đọc sách có kế hoạch, dành thời gian đọc sách theo ngày thì chắc chắn con trẻ cũng học được điều đó.
Hãy thổi vào trẻ tinh thần đọc sách và thông điệp không có TV hoặc smartphone, ipad trong thời gian đọc sách một ngày, vài ngày để trẻ có thể toàn tâm toàn vào việc đọc. Khoảng thời gian đọc sách cũng trở nên đáng quý bởi các thành viên gia đình có thể quây quần bên nhau, có thể cùng bàn luận về một vấn đề, một câu chuyện mà mọi người cùng quan tâm.
Tạo thói quen đọc sách, văn hóa đọc cho trẻ là việc làm không khó khăn nhưng cũng chẳng dễ dàng nếu không có nền tảng từ sớm. Hãy giúp trẻ có thói quen đọc sách bởi từ hoạt động này trẻ sẽ thu được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm mà không trường lớp nào cung cấp. Sách chính là kho tàng tri thức không bao giờ cạn để trẻ học tập và làm phong phú tâm hồn.