PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT NHƯ THẾ NÀO?
Phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết như thế nào là quan tâm của rất nhiều người trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nặng có thể gây tử vong cho người bệnh do trụy tim mạch hoặc xuất huyết ồ ạt…
PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sốt xuất huyết là do muỗi vằn đốt người bệnh mang virus và truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể:
– Sử dụng một số biện pháp diệt muỗi như: Bình xịt, thắp hương muỗi, phun thuốc chống muỗi…
-Đậy kín nắp tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
-Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
-Phát quang bụi rậm.
-Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát.
-Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
-Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
-Đối với trẻ em, không cho trẻ hoạt động ở các nơi có môi trường tối tăm, ẩm thấp, ao tù nước đọng.
-Nên buông màn khi ngủ cả ngày lẫn đêm để tránh muỗi.
-Mặc quần áo dài tay.
-Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
CÁCH ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Trong thời gian dịch bệnh đang bùng phát, khi bị sốt đột ngột cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc sốt xuất huyết và nhanh chóng nhập viện để được thăm khám và làm xét nghiệm máu chẩn đoán, loại trừ sốt xuất huyết.
-Với những trường hợp bị nhẹ có thể chăm sóc và điều trị tại nhà bằng cách cho người bệnh nằm nghỉ ngơi; bù nước qua đường uống, cho bệnh nhân uống nhiều nước, dung dịch Oresol, nước trái cây, nước dừa…, ăn chào, soup, sữa; chườm mát bằng nước ấm để hạ sốt; sốt cao trên 38,5 độ C cần cho bệnh nhân dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, không dùng aspirin để hạ sốt); theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị.
Với những trường hợp bệnh nặng cần được điều trị tích cực và hỗ trợ truyền máu tại bệnh viện.
Thông thường sau 11 – 12 ngày, nếu không có dấu hiệu biến chứng là bệnh đã khỏi.
-Với những trường hợp nặng (người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, đái ít, bứt rứt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp hạ; nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (biểu hiện của trụy mạch)), cần được điều trị tích cực và hỗ trợ truyền máu tại bệnh viện. Những trường hợp nặng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nặng như sốc, trụy mạch, xuất huyết các cơ quan nội tạng, xuất huyết não… gây nguy hiểm đến tính mạng.