Thông qua giờ tập đọc tại lớp 5D, cô Tứ giúp các con càng biết thương bầm (mẹ) hơn, mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với bầm nhưng vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh nên con phải ra đi. Tuy nhiên, nhà thơ cũng như tất cả những người con đang có mẹ, có bầm, đều mong muốn tất cả các bà mẹ hãy cứ yên lòng, “Thương con bầm chớ lo nhiều bầm nghe”. Đó là lời căn dặn tha thiết của người con dành cho mẹ. Vì người con biết rằng, dù con có như thế nào, có bao nhiêu tuổi thì đối với những người mẹ, con vẫn như một đứa trẻ. Người con hiểu, dù rằng mình đã trưởng thành, đã vượt “trăm núi ngàn khe”, đã “đi đánh giặc mười năm” thì với mẹ, con vẫn còn thơ dại. Bầm vẫn tê tái khi nhớ tới con. Bầm vẫn dành cả cuộc đời, sau mươi năm để thương nhớ, lo lắng. Bài thơ Bầm ơi của Tố Hữu, độc giả mới càng thấm thía tình cảm quân và dân ta trong thời chiến. Những nơi các chiến sĩ bộ đội đi qua luôn được người dân đón tiếp nồng hậu. Họ trân quý yêu thương những người con xa quê ấy như chính con cái mình. Có lẽ chính vì sự đùm bọc đoàn kết đó mới tạo nên sức mạnh làm nên những chiến thắng vẻ vang oai hùng của dân tộc.
Kết thúc tiết học, các con càng hiểu hơn được tình cảm của người mẹ dành cho con luôn là tượng đài vĩ đại trong mọi thứ tình cảm thiêng liêng nhất. Dù ở hoàn cảnh nào, dù trong hòa bình hay lúc chiến tranh, những người mẹ luôn làm mọi thứ để mang tới cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Với những người mẹ thời chiến lại càng cao đẹp hơn nữa. Họ không chỉ là hậu phương vững chắc, mà còn là nguồn động viên an ủi lớn nhất cho các chiến sĩ, bộ đội. Qua bài thơ Bầm ơi của Tố Hữu, một lần nữa tôn vinh và ca ngợi vẻ đẹp của những người mẹ ấy. Bằng những ca từ gần gũi thân thuộc, với nhịp thơ nhẹ nhàng, tác phẩm như một bài hát ru ngọt ngào đi vào lòng người.