Tôi viết về em, về người cô giáo thân thương của chúng tôi, cô Vũ Thị Kim Thoa, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Gương mặt dịu hiền, nói năng nhỏ nhẹ, dễ gần, cô giáo Thoa đem đến niềm tin yêu, sự quý mến ngay từ lần gặp đầu tiên. Ít ai biết rằng bên trong dáng hình mảnh dẻ, sự dịu dàng ấy của em là cả một nghị lực kiên cường. Bố mẹ chồng già yếu, chồng là bác sĩ quân y luôn công tác xa nhà, em đảm đang chu toàn việc trường, việc nhà, nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, trưởng thành.
Gia đình nhỏ của cô giáo Thoa trong lần đến thăm chồng cô đang công tác trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc
Với 45 tuổi đời, 22 năm tuổi nghề, em có tới 20 năm giảng dạy và chủ nhiệm lớp Một. “Lớp Một ơi lớp Một!”, lời thơ ấy vang ngân tha thiết nhưng lớp Một thực sự là thử thách không nhỏ đối với người giáo viên Tiểu học. Chu đáo, nhẹ nhàng, cẩn thận, cô Thoa thực sự là một cô giáo, một người mẹ hiền, một nàng tiên bước ra từ thế giới cổ tích, từng ngày, từng ngày đồng hành cùng bao thế hệ học trò từ những nét chữ, những con số đầu tiên. Học trò của em như những con chim non lần đầu xa tổ, xa vòng tay của mẹ. Em đã đón các con bằng tất cả tình cảm chan chứa yêu thương.
Cô giáo Vũ Thị Kim Thoa - bông hoa đẹp giữa vườn hoa ngát hương
Buổi đầu đến lớp, học trò của em là những đứa trẻ vừa rời khỏi tay mẹ, tay bà, ngơ ngác, rụt rè, lo lắng, thậm chí có em òa khóc nép sau lưng mẹ run rẩy. Nhiều em cứ bám chặt tay mẹ không rời:
- Con không muốn đi học đâu!
- Con muốn về nhà!
- Cho con về nhà đi!
Có trò tay chân vùng vằng rồi ngồi phệt xuống đất. Khi ấy, cô Thoa thường đỡ học sinh đứng dậy đưa vào lớp, thủ thỉ, dỗ dành: “Con tạm biệt mẹ, tạm biệt bà để vào lớp cùng cô và các bạn nào! Ở đây, con sẽ có rất nhiều bạn mới, có cô giáo, có nhiều trò chơi thú vị nữa này. Con sẽ được học biết bao điều hay. Rồi con sẽ yêu lớp mình, yêu trường mình cho mà xem. Chiều đến, mẹ và bà lại đón con về nhà nhé!”. Như có một phép màu nào đó xảy ra, trò của cô nín khóc, tin tưởng đặt bàn tay nhỏ xíu của mình vào bàn tay dịu dàng đưa đón của cô giáo, ngoan ngoãn đi vào lớp.
Những buổi học đầu tiên biết bao khó nhọc, cô Thoa ân cần hướng dẫn trò nhỏ từ chỗ đi đến nhà vệ sinh, cách đi vệ sinh, cách làm vệ sinh cá nhân sao cho sạch sẽ. Học sinh tè ra quần, thậm chí đại tiện ngay trong lớp học là chuyện thường với những đứa trẻ đầu cấp. Những lúc như thế, cô vừa thay rửa cho các em, vừa vệ sinh phòng học để lớp ổn định học tập. Dáng em nhỏ nhắn nghiêng nghiêng cúi xuống nắm tay học trò uốn nắn từng chữ, từng dòng vô cùng trìu mến. Em tập cho trò phát âm, đánh vần từng tiếng.
Cô Thoa luôn đổi mới các hình thức dạy học phong phú, đa dạng
Mỗi bài giảng em đều gửi vào đó tất cả tình thương và trách nhiệm của mình. Em dạy học trò từng phép toán, dạy học trò biết đoàn kết, gắn bó và chia sẻ với mọi người qua những vần thơ, những câu chuyện kể giản dị mà thú vị, lôi cuốn. Trò của em mắt xoe tròn, ngưỡng mộ nhìn cô giáo, say sưa như nuốt lấy từng lời. Không diễn thuyết, không lí thuyết nhiều về đổi mới giảng dạy nhưng mỗi giờ học của em trên lớp đã thuyết phục tất cả giáo viên dự giờ bởi sự sáng tạo trong phương pháp cũng như hình thức tổ chức dạy học. Và hơn tất cả là cảm hứng học tập, tình yêu thương em truyền đến trái tim các trò nhỏ của mình.
Các tiết học sôi nổi, gần gũi khiến học trò say mê
In đậm trong tôi là hình ảnh cô giáo Thoa một tay cầm quyển sách, một tay cầm phấn viết từng nét chữ ngay ngắn, nắn nót, thẳng hàng trên bảng. Chữ viết của em rất đẹp, ai nhìn vào cũng cứ muốn ngắm mãi thôi.
Mỗi tiết học, cô Thoa luôn nhẹ nhàng đi qua từng dãy bàn, quan sát học trò mình làm bài. Em sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc, những câu hỏi của học sinh dù là những câu hỏi rất ngây ngô và cô không ngại ngần giải đáp cho trò nhỏ một cách tỉ mỉ dễ hiểu nhất. Em luôn đặt ra những câu hỏi kích thích sự chủ động sáng tạo của học sinh. Giờ tập viết, đôi tay non nớt của học sinh lớp Một mới chỉ nguệch ngoạc vài nét đã mỏi nhừ nên học trò nhanh chán nản. Có những giọt nước mắt lăn dài trên má rồi rơi xuống làm ướt nhoèn trang vở. Ấy vậy mà, nhờ giọng nói truyền cảm, khi thì ấm áp, lúc lại dí dỏm vui tươi cùng ánh mắt động viên, khích lệ, Thoa đã đưa học sinh vào những giờ học đầy say mê và hứng thú, vượt qua thử thách. Học trò của em tiến bộ từng ngày.
Để giảm sự căng thẳng trong tiết học, em thường sưu tầm những thước phim hoạt hình ngắn hấp dẫn có nội dung về bài học, hoặc kể cho học sinh nghe những mẩu chuyện rất bổ ích. Cách kể chuyện dí dỏm của em cuốn hút lòng người đến kì lạ.
Giờ giải lao, em thường ngồi giữa đám học trò chậm tiến. Cô Thoa giúp em này đánh vần, cầm tay em khác nắn các nét chữ còn vụng về và viết mẫu cho từng học sinh trong lớp. Ngày nào cũng vậy, cô trò chẳng rời nhau. Cứ như thế, nhờ sự quan tâm, dìu dắt ấy, trò của em đọc thông, viết thạo, biết làm toán tự bao giờ.
Học sinh nào ham chơi, lười viết bài, em chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Trò nào nghịch ngợm, Thoa tìm xem trò đó có điểm nào tiến bộ để khen. Em ân cần bọc từng quyển sách, viết từng nhãn vở, cần mẫn ngồi gọt bút chì cho từng học sinh, đơm lại cái cúc áo học sinh bị tuột, mua sách vở, đồ dùng cho học sinh nghèo. Những việc làm nho nhỏ ấy, hình ảnh giản dị ấy của em ngưỡng mộ biết nhường nào!
Có lần đang tiết học, một trò thút thít khóc. Rồi trò thưa với cô rằng: “Con nhớ mẹ!”. Cô Thoa đang giảng bài cũng phải bật cười. Em nhẹ nhàng xuống bên cạnh, xoa đầu trò, quàng tay bá cổ trò như đôi bạn thân thiết. Cô thủ thỉ: “Con chờ cô ít phút nữa, giảng xong bài cô sẽ gọi điện cho mẹ con đến trường chơi với con được không?”. Tôi thấy học trò đó gật đầu lia lịa, nín bặt. Rồi em cuốn hút học sinh vào tiết học khiến trò quên cả nỗi nhớ mẹ lúc nào không hay.
Xong mỗi tiết học, dù mồ hôi nhễ nhại dưới cái nắng oi bức nhưng trên môi cô luôn nở nụ cười rạng rỡ. Đó là hình ảnh rất đẹp, một cái đẹp toát ra từ tâm hồn của một nhà giáo luôn tận tuỵ hết mình với học sinh.
Hình ảnh cô Thoa chăm sóc tận tình các con từng bữa ăn giấc ngủ đã làm cho các con học sinh yêu cô và coi cô như mẹ hiền. Đặc biệt có năm cô chủ nhiệm có bạn học sinh sức khỏe kém, mất tập trung và tư duy chậm nhưng cô Thoa vẫn kiên trì với con. Cô chăm sóc và bón cho con từng thìa cơm, giờ học cô kiên trì cầm tay và chỉ bảo con từng nét chữ. Cuối năm học con đã rất tiến bộ và cô Thoa đã nhận được sự tin yêu không chỉ của các con học sinh mà cả của phụ huynh.
Qua nhiều tháng năm dạy học, tiếp xúc nhiều đối tượng học sinh, nhưng tôi nhớ nhất là em Phạm Minh Anh, học sinh khuyết tật trong lớp của cô. Đầu năm học, Minh Anh thường bị bạn bè xa lánh. Con không ngồi học ngay ngắn mà thường quay ngang quay ngửa trong lớp. Trong giờ học con cũng khó nghe viết được, chỉ có thể nhìn chép lại các chữ đơn giản. Môn Toán con cũng chỉ tính toán được những phép toán đơn giản, chữ thì nghệch ngoạc, leo dòng. Các bạn trong lớp sợ Minh Anh nghịch rồi làm bẩn vở nên không gần gũi và một số bạn bè còn xa lánh em. Cô Thoa biết, giảng cho cả lớp hiểu về tinh thần đoàn kết, về sự sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ người kém may mắn. Nghe cô phân tích cặn kẽ, cả lớp đã hiểu và đồng cảm với bạn Minh Anh. Dần dần Minh Anh đã hoà nhập, vui vẻ với bạn bè. Có lẽ Phạm Minh Anh, cô học trò khuyết tật đã cảm nhận được tình thương yêu sâu lặng của cô Thoa dành cho mình nên em ngoan hơn, chịu khó nghe cô giảng bài hơn.
Học trò của em may mắn được em chủ nhiệm, còn tôi may mắn khi được công tác cùng em trong thời gian dài. Suốt quãng đường đó tôi đã học tập từ em sự mạnh mẽ, sống có trách nhiệm với những người xung quanh và xã hội.
Cô giáo Thoa bên cô học trò nhỏ
Đối với em, mấy ai nhìn thấu sự cống hiến hi sinh thầm lặng mà em dành cho lớp lớp học trò của mình. Em không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng mà còn liên tục dỗ dành, chăm chút cho học trò bé bỏng như những đứa con thân yêu của mình. Đối với những trò ăn bán trú, em lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Trẻ biếng ăn em dỗ dành, trẻ ốm mệt em bón cho từng miếng cơm. Em đau khi trò ốm, em vui khi trò ngoan. Ngoài việc dạy dỗ, chăm sóc học sinh, em còn quan tâm tìm hiểu gia đình các trò nghèo để tạo điều kiện giúp đỡ các em. Cuối buổi học, em thường gặp gỡ phụ huynh, trao đổi những mặt mạnh yếu của học sinh để tạo sự gắn kết giữa cô - trò với phụ huynh.
Với em, dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là cả một niềm đam mê. Em luôn chuẩn bị kĩ cho bài giảng của mình. Tiết học nào của em cũng có sự thu hút kì diệu. Tôi nhớ mãi câu nói của em: “Em dành thời gian để dạy dỗ, chăm chút học sinh cũng chỉ với một mong muốn duy nhất cuối năm em nào cũng sống vui vẻ, yêu thương, biết đọc, biết viết.” Khi em nói câu ấy, tôi thấy niềm hạnh phúc sáng bừng trên gương mặt của em.
Đại gia đình hạnh phúc của cô giáo Vũ Thị Kim Thoa
Cô giáo Vũ Thị Kim Thoa, bông hoa đẹp giữa vườn hoa muôn sắc muôn hương. Em vươn cao đón ánh nắng mặt trời, trắng trong một màu tinh khiết, hương thơm lặng thầm lan toả. Trong một vườn hoa rực rỡ, ngát hương thơm, em là bông hoa đẹp nhất. Em thực sự là một hình ảnh đẹp, góp phần không nhỏ làm nên thương hiệu của trường chúng tôi, trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Và hơn tất cả, em mãi là niềm tin yêu, quý trọng của đồng nghiệp, của phụ huynh và bao thế hệ học trò.