Nơi tôi công tác có rất nhiều tấm gương vì sự nghiệp giáo dục nhưng điều để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất đó là đồng chí bảo vệ của nhà trường. Bác là Nguyễn Chí Tuấn, một trong 4 bảo vệ của trường tôi - Tiểu học Nguyễn Trãi (Thanh Xuân). Bác sinh năm 1964, đã 59 tuổi, làm bảo vệ trường từ năm 2005, luôn miệt mài với những công việc quen thuộc và thầm lặng của trường trong 18 năm qua.
Nụ cười tươi khi trực cổng đón học sinh
Ấn tượng đầu tiên về bác trong những ngày đầu tôi về trường, đó chính là nụ cười thân thiện, ấm áp, dễ gần. Rồi tôi bị ấn tượng hơn nữa khi trực tiếp thấy bác làm việc. Công việc bảo vệ tại trường tuy không nặng nhọc nhưng rất vất vả và cần sự siêng năng, chăm chỉ. Mà điều này thì ở bác có thừa. Nhìn đôi chân thoăn thoắt, đôi bàn tay cần cù, dáng người cần mẫn của bác vào những lúc sáng sớm và những lúc chiều muộn khiến tôi thấy được giá trị đáng quý biết bao của sự lao động.
Công việc của bác tưởng chừng đơn giản là chỉ bảo đảm an toàn cơ sở vật chất của nhà trường, bảo quản và trông giữ rất nhiều xe của phụ huynh học sinh nhưng nó lại vô cùng quan trọng. Đó là giữ gìn an ninh, mang lại sự bình yên cho các cháu, cho các bậc phụ huynh. Sự thân thiện, vui tươi và niềm nở với tất cả mọi người xung quanh của bác cũng khiến các bậc phụ huynh yên tâm gửi trọn niềm tin khi đưa con mình đến trường học.
Bác Tuấn giúp các bạn nhỏ sửa xe
Bác là một người tận tâm, nghiêm túc, có trách nhiệm cao trong công việc. Do trường rộng, nhiều phòng học, mặt khác để nâng cao trách nhiệm cán bộ, giáo viên, nhân viên nên nhà trường giao việc quản lý phòng học, sử dụng các thiết bị cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đứng lớp cũng như người trông giữ, sử dụng các phòng chức năng. Đồng thời nhà trường thường xuyên quán triệt việc sử dụng tiết kiệm điện, đóng mở cầu dao, công tắc và cài tất cả cửa trước khi ra khỏi phòng. Nhưng rất nhiều trường hợp quên đóng cửa, tắt điện... Vì vậy sau mỗi buổi tan trường, bác lại đi kiểm tra tất cả phòng học. Phòng nào chưa đóng cửa sổ, tắt quạt, tắt điện, bác mở cửa tắt điện và cài lại tất cả cửa sổ, cửa chính của từng phòng
Hình ảnh bác Tuấn đang chăm
chỉ tưới vườn cây ở sân trường
Trong nhiệm vụ của người bảo vệ, bác rất cẩn thận và chu đáo để đảm bảo tài sản nhà trường. Bác luôn quan sát từng hoạt động cũng như mọi người ra vào trường. Tối đến, bác lại đi xung quanh sân trường với chiếc đèn pin trong tay, trước khi đi ngủ, bác đều phải tuần tra cả trường lại một lượt rồi mới yên tâm kê lưng, gối đầu. Ban đêm, hễ có tiếng động, bất chấp mưa gió thế nào bác cũng phải dậy kiểm tra. Có bác, mọi người đều thấy an toàn và yên tâm hơn rất nhiều.
Không chỉ tận tuỵ trong công việc được phân công phụ trách mà việc chung của trường bác Tuấn làm rất nhiệt tình. Những hôm nhà trường có hội nghị hay những buổi lễ hội cho học sinh, bác lại cùng với đồng nghiệp trong trường cùng căng phông nền sân khấu và chỉnh trang âm thanh loa đài vào chiều hôm trước, rồi đến sớm hôm sau bác lại tất bật với giáo viên chuẩn bị từ những chiếc quạt, kê bàn ghế. Công việc chuẩn bị cùng với giáo viên xong cũng là lúc bác quay trở lại với công việc của mình.
Như hiểu được lòng chị em của nhà trường, ngoài công việc của nhà trường giao cho, bác lặng lẽ, thầm lặng giúp đỡ chị em trong trường rất nhiều. Bóng điện cháy cũng nhờ bác Tuấn. Công tắc điện hỏng, vòi nước bị gãy cũng là bác sửa. Tôi cảm thấy niềm vui hiện lên trên khuôn mặt của bác mỗi khi giúp được ai đó. Bác thường bảo: giúp đỡ được mọi người chính là niềm vui của bác vì bác quan niệm “hạnh phúc chính là cho đi”
Tình yêu bác dành cho ngôi trường này là rất lớn. Bác vẫn lặng lẽ cặm cụi với những công việc thường ngày của bác với hi vong mang lại bình an cho ngôi trường của mình. Dường như mùa xuân lúc nào cũng ở trong tâm hồn người bảo vệ cần mẫn, trách nhiệm này. Không biết nói gì hơn chỉ chúc bác sẽ giữ mãi được lòng yêu đời, luôn nhiệt huyết và tân tâm với công việc mà bác đã lựa chọn. Với tôi, bác luôn là tấm gương người tốt, việc tốt sáng ngời mà tôi cần noi theo.