Bác Nguyễn Thị Sơn – lao công trường tôi
Hàng ngày, bác Sơn - lao công trường tôi, thường bắt đầu công việc khi mọi người vẫn còn đang ngon giấc, có lẽ công việc quét dọn trường lớp đã trở thành thói quen hay nó đã tạo nên đồng hồ sinh học trong bác, làm bác bừng tỉnh giấc, gác lại giấc ngủ còn dang dở để thực hiện công việc của mình, đem đến một sự gọn gàng sạch sẽ, thoáng mát cho tất cả cô và trò trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Tất cả mọi người đều cảm nhận sự thoáng đãng, thư giãn khi mỗi sớm mai thức dậy bước đến trường, thấy đường từ cổng trường vào đã sạch bóng tinh tươm, cả cô và trò được tận hưởng không khí trong lành, thoang thoảng mùi hương của các loài hoa xung quanh trường. Bác Sơn cần mẫn làm việc âm thầm và lặng lẽ, tránh làm sao khỏi những phút chạnh lòng do công việc đặc biệt của mình, nhưng để cô và trò được tận hưởng không khí thật trong lành, môi trường sạch sẽ từ các khu vui chơi, các góc thiên nhiên từng lớp,…cho đến toàn khu vực quanh trường, qua từng ngõ ngách thì bác làm việc như quên cả thời gian. Bác Sơn đã sẵn sàng gác lại hạnh phúc bé nhỏ của cá nhân mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Bác Sơn đang cần mẫn chăm sóc chậu cây xanh ngoài hành lang lớp học
Bác Sơn lau chùi khu nhà vệ sinh một cách tỉ mỉ, cẩn thận
Mỗi ngày người đến trường sớm nhất không phải Ban Giám hiệu, thầy cô giáo, không phải các em học sinh mà là bác Sơn. Bác làm biết bao công việc mà không phải ai cũng có thể làm một cách dễ dàng, thậm chí không ít người còn lắc đầu ngao ngán. Lúc nào tôi cũng thấy bóng bác nhỏ nhắn đi qua đi lại rất nhanh nhẹn. Có khi bác ở khu sân trường quét những chiếc lá rụng dưới sân nhưng có khi đã thấy bác ở khu hành lang tưới những chậu hoa ...bác nhanh nhẹn lạ lùng. Hàng ngày, bác miệt mài với công việc từ sáng sớm lúc nhà trường chưa có ai và kết thúc vào buổi tối cũng là lúc mà mọi thầy cô và học sinh trong trường đã nghỉ hết. Chỉ cần nhìn khối lượng công việc bác làm mà tôi đã thấy toát mồ hôi. Tôi vẫn nói với bác “Cháu thấy bác cứ làm luôn tay nhỉ, bác có mệt không?” Bác cười rạng rỡ và vui vẻ: “Thực lòng cũng có lúc mệt lắm nhưng cũng quen tay, quen chân rồi cô ạ. Tôi mà ngồi một chỗ lại không chịu được, cứ thấy chỗ nào bẩn lại thấy khó chịu.” Vừa nói và trò chuyện cùng tôi mà tay bác vẫn thoăn thoắt làm không ngơi. Lúc nào nhìn thấy bác, tôi cũng thấy bác cặm cụi quét quét, lau lau. Không mấy khi, tôi thấy bác để cho chân tay ngừng làm việc. Nhiều khi, tôi lại hỏi:
- Bác làm công việc này có ngại không?
Bác lại cười và nói:
- Ngại gì cô, mình làm việc chính đáng bằng sức lao động để kiếm sống mà. Nhiều khi tôi thấy làm ở đây lại vui vì ngày nào cũng thấy học sinh vui đùa, mấy hôm học sinh nghỉ học sân trường vắng lại cảm thấy hơi buồn buồn.
Rồi có những lúc, tôi nhìn bác chăm sóc từng chậu cây một cách tỉ mỉ như thể chúng là những đứa con của mình. Bác nhặt bỏ những lá vàng, nhẹ nhàng lau chùi từng cái lá xanh tươi, tưới nước, lau xung quanh chậu cây thật sạch sẽ. Với công việc cũng như nhiệm vụ của mình, bác chưa bao giờ phải để bất kì ai phàn nàn, chê bai. Không những thế, bác còn rất quan tâm đến mọi người xung quanh. Tôi nhớ có lần thấy học sinh làm vỡ chai nước thủy tinh ở hành lang, bác liền dừng việc đang làm và chạy ngay đến chỗ chai vỡ thu dọn cho các con, tay thì dọn, miệng thì luôn nói: “Không được lại gần đây kẻo dẫm phải mảnh chai!” Rồi lại có lần, tôi thấy bác cầm trên tay gói xôi đi từ cổng trường vào, tôi hỏi: “Bác mua xôi ăn sáng à?” Bác cười tươi trả lời: “Không, tôi mua hộ cho cô T, cô ý đi sớm không kịp mua đồ ăn sáng.” Và cứ thế, hễ ai trong trường có việc cần giúp bác lại nhiệt tình giúp đỡ không nề hà bất cứ việc gì.
Bác Sơn cặm cụi thu dọn, vệ sinh thùng rác khi các con học sinh đã vào lớp học
Vẫn biết rằng ai cũng phải tham gia vào một nghề nào đó theo sự phân công của xã hội để cùng nhau lao động dựng xây đất nước bằng công sức của mình, nhưng tôi vẫn thấy thương những người lao công nhất. Đó là nghề vất vả nhất trong các nghề vất vả... Và cũng thật tuyệt vời khi ta biết được những con người ấy đã vượt lên khó khăn và luôn có trách nhiệm cao với công việc vì một môi trường trong sạch chung cho cả nhà trường.
Bác Sơn lao công còn giúp tôi hiểu ra được bao điều tốt đẹp trong cuộc sống. Có thể nói hầu hết những người làm nghề lao công đều có một điều kiện khó khăn giống nhau, nhưng đó lại là điều để ta thêm kính yêu và cảm phục về sự trong sạch, lương thiện ở nhân cách của họ. Từ những người lao động bình dị chân chính ấy những người lao công đã cho chúng ta bài học về sự cần cù trong lao động. Thật đúng như Bác Hồ đã từng nói nghề nào trong xã hội này cũng cao quý miễn mình sống bằng sức lao động của mình trong khuôn khổ pháp luật. Không chỉ dạy ta tinh thần yêu lao động, người lao công còn cho ta bài học nhân cách làm người sống trung thực và một thái độ nhân ái “mình vì mọi người”.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ nhường phần ai?”, tôi thầm cảm phục những người lao công vì họ đã gánh cho cuộc sống của chúng ta rất nhiều gian khổ không thể nói hết bằng lời. Nhiều lúc bị cuốn theo nhịp sống xô bồ hối hả của cuộc sống hiện đại, mọi người cứ coi như sự hiện hữu của họ là phép mặc nhiên của cuộc đời, nhưng chúng ta hãy một phút “sống chậm lại” để nghĩ nhiều hơn về họ, chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với họ. Công việc quét rác tuy thật bình dị nhưng sự đóng góp cho môi trường của nhà trường thật lớn lao biết bao. Họ là những người lao động lặng lẽ đang góp phần mang mùa xuân về cho nhà trường.
Bác Sơn – dáng người nhỏ nhắn với công việc lặng thầm
Cô và trò trường Tiểu học Nguyễn Trãi vẫn luôn cùng nhau tiếp sức cho bác lao công bằng những việc rất nhỏ nhưng ý nghĩa thì vô cùng lớn. Mọi lúc, mọi nơi các cô vẫn luôn giáo dục các con không vứt rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định…, giáo dục các con luôn biết ơn, kính trọng bác lao công và tôn trọng công việc bác đang làm. Thật sự những việc này không khó mà các con trong toàn trường hoàn toàn có thể làm được, các con vẫn, đã, đang và sẽ vẫn còn làm.
Hàng ngày cô và trò trường Tiểu học Nguyễn Trãi luôn được học tập, vui chơi…tận hưởng không khí trong lành chào đón những ngày mới, hít một hơi thở trong lành, và vẫn luôn nhớ sáng sớm hôm nay bác lao công đã quét thật khẩn trương chỉ với một mong muốn thật đơn giản là để môi trường của nhà trường kịp tươm tất cùng các cô, các con trong nhà trường đón ánh bình minh. Một ngày mới nắng ấm lại tràn về trường, đường vào trường sạch sẽ, những tia nắng buổi sớm khẽ luồn qua từng kẽ lá, tiếng người đưa các con đến lớp, phụ huynh cứ trầm trồ thì thầm khen ngợi môi trường sạch sẽ từ cổng vào cho đến từng ngõ ngách. Cũng chỉ bấy nhiêu thôi, khi mà bác lao công nghe thấy những lời khen ngợi đó đủ để họ thấy hạnh phúc vì đã góp được một chút gì đó cho nhà trường.
Bác luôn tay quét dọn để làm sạch mọi hành lang, ngóc ngách của ngôi trường
Ngày nắng lẫn ngày mưa, ngày các con nghỉ học vào dịp hè, dịp cuối tuần hay cả những năm trước vì dịch bệnh cũng như ngày các con đến trường bình thường, bác Sơn lao công vẫn tới trường thật sớm để hoàn thành công việc của mình. Sự cần cù, chịu khó, tảo tần của bác khiến tập thể các cô giáo và các con trong toàn trường luôn cảm phục. Nghĩ về những người lao công, tôi luôn có một ước mong nho nhỏ rằng, khi bình minh một ngày mới bắt đầu, được dạo bước trên những con đường sạch sẽ, được cùng các cô giáo, các con trong toàn trường tận hưởng cảm giác trong lành mát mẻ của buổi sớm mai, xin ai đó đừng vô tâm thản nhiên coi như là điều mình đương nhiên được hưởng. Hãy nhớ rằng đằng sau đó là nỗi vất vả thầm lặng của những bác lao công đang từng ngày giữ gìn vệ sinh cho ngôi trường Tiểu học Nguyễn Trãi.
Các cô giáo vui tươi tạo dáng trên sân trường sạch đẹp
Học sinh thích thú vui chơi trong không gian sạch sẽ thoáng mát
Chúng ta mỉm cười trước một ngôi trường sạch sẽ, trong lành bởi những giọt mồ hôi của người lao công đã rơi lặng lẽ. Một chút ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sẽ đồng nghĩa với chúng ta đã nói được lời yêu thương đến công sức của bác lao công đang vất vả từng ngày vì môi trường thân yêu của chúng ta. Cô và trò trường Tiểu học Nguyễn Trãi kính chúc bác lao công mạnh khỏe và cầu cho sự an lành sẽ luôn đến với những con người làm nghề đáng kính như bác Nguyễn Thị Sơn.