Tâm sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại thành Hà Nội - vùng đất “Xứ Đoài” vừa có ngọn núi linh thiêng Ba Vì lại vừa có dòng sông Hồng mềm mại chảy qua. Ngay từ nhỏ, em ấp ủ ước mơ trở thành một cô giáo dạy tiểu học, ước mơ đó lớn dần theo năm tháng và đã trở thành hiện thực. Năm 1996, cô giáo trẻ đó ra trường và chính thức đứng trên bục giảng, dạy các học trò Tiểu học. Em có niềm đam mê trong dạy học luôn gần gũi các học trò nhỏ ngay từ khi mới ra trường. Em chia sẻ với tôi “ Những ngày đầu ra trường, em được phân công dạy lớp 1 tại một ngôi trường vùng quê Ba vì. Em đã dạy trò rất say sưa, đến nỗi chú Hiệu trưởng qua lớp, đứng quan sát ngoài cửa sổ rất lâu mà em không hay biết gì. Ngày đó, mỗi giờ ra chơi, học trò lớp 1 cứ lên hỏi cô, nói chuyện với cô Tâm đủ thứ chuyện…. Cô giáo trẻ đã cảm nhận ngay được hạnh phúc của người được gọi là “Mẹ hiền thứ hai của trẻ”.
Cô giáo Tâm đã nên duyên với người chồng là bộ đội. Chồng cô đóng quân nhiều nơi và đều xa nhà. Vợ chồng trẻ, đồng lương chẳng là bao lại sống xa nhau nên việc chăm lo con cái, chăm sóc bố mẹ chồng những lúc trái gió trở trời đều mình cô lo toán gánh vác, khó khăn vất vả rất nhiều nhưng việc nhà, việc trường cô đều chu toàn nên chồng và gia đình chồng cô đều yêu quý cô hết mực.
Sau này, để hợp lí hoá gia đình, cô cũng đã chuyển công tác đến một số trường: từ vùng đồng bằng đến miền núi rồi tới thành thị. Ở ngôi trường nào, người lái đò ấy cũng tràn đầy lòng nhiệt huyết bên học trò. Em Tâm chia sẻ “Mặc dù nghề giáo của mình đầy áp lực, đồng lương cũng không cao nhưng sao em vẫn thấy yêu nghề, bởi hàng ngày được bên cạnh, dìu dắt những tâm hồn thơ ngây, thấy rất nhiều điều thú vị”. Với chuyên môn vững vàng, trong các giờ lên lớp, người giáo viên ấy luôn say sưa với những tiết dạy, có phương pháp khích lệ, động viên để cuốn hút học sinh tham gia các hoạt động học tập. Học trò của cô đã có rất nhiều tiến bộ, đạt nhiều thành tích cao. Chính vì vậy cô đã được phân công làm tổ trưởng chuyên môn từ khi còn rất trẻ. Trong quá trình chủ nhiệm, giảng dạy, cô đã tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện (quận), thị xã và đạt giải Nhì, giải Ba. Cô đã được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở các năm học 2007- 2008; 2008 – 2009; 2013 – 2014 và năm 2021- 2022.
Chẳng những người mẹ hiền thứ hai đó có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong giảng dạy mà cô còn luôn làm rất tốt công tác chủ nhiệm. Trong những năm tháng đứng trên bục giảng, làm công tác chủ nhiệm, cô luôn có biện pháp giáo dục đạo đức, rèn nền nếp cho học sinh phù hợp và sáng tạo. Nhiều giờ ra chơi, tôi đẫ thấy hình ảnh cô Tâm ngồi nói chuyện cùng học trò với nét mặt thân thiện, đôi mắt trìu mến, để hiểu tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình của học sinh. Những cô cậu học trò cũng vui vẻ chia sẻ đủ thứ chuyện với cô. “Người mẹ thứ hai” ấy luôn cảm hoá được học sinh bằng tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ của mình. Dưới mái trường Tiểu học Nguyễn Trãi, các thế hệ học trò của mình, cô đã gặp một số học sinh đặc biệt. Bằng tình yêu thương chân thành,sự tận tâm với học sinh, người kĩ sư tâm hồn ấy đã giúp học sinh tiến bộ về mọi mặt.
Cô chia sẻ “Em nhớ mãi cậu học trò năm đó, vào đầu năm học, con không có ý thức học tập, thường xuyên không học bài, không làm bài đầy đủ, hay nói chuyện, hay nói tục, đôi khi còn tự do, chữ viết nguệch ngoạc,…. Nhưng một thời gian sau khi em nhận lớp, bạn ấy tiến bộ dần về mọi mặt. Đến lớp 5 em vẫn chủ nhiệm lớp đó và nhận thấy con thực sự thay đổi thành một cậu học trò chăm ngoan, học tập tốt. Ôi, em thấy thật hạnh phúc!” Em hay tâm sự, để hiểu về hoàn cảnh gia đình của trò, cậu học trò đã chia sẻ rất nhiều về từng thành viên trong gia đình với cô. Hoàn cảnh gia đình cũng đặc biệt nên ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Bằng cử chỉ dịu dàng, lời khuyên bảo nhẹ nhàng, cô Tâm đã cảm hoá được cậu học trò ấy. Cô chia sẻ: “Những học sinh như vậy, giáo viên cần xoáy vào mặt tốt thì mặt tốt của con sẽ nhân lên, mặt xấu mất dần đi. Lời nói nhẹ nhàng, thái độ ân cần, sự quan tâm sâu sắc cùng trách nhiệm cao với học sinh là một trong những bí quyết thành công trong công tác chủ nhiệm của mỗi giáo viên”. Chính vì vậy, cô luôn được học sinh yêu quý, gần gũi và kính trọng. Nhiều học sinh đã thay đổi tích cực từ khi học cô. Gần 30 năm trong nghề dạy học, cô Tâm luôn nhận được tình cảm yêu mến, quý trọng của phụ huynh và học sinh. Nhiều phụ huynh rất vui mừng khi có cô Tâm đồng hành, dìu dắt con họ và đã bày tỏ lòng biết ơn, đặt niểm tin nơi cô.
Trong đời sống, sinh hoạt thường ngày, người giáo viên ấy ấy luôn hoà đồng, cởi mở, thân thiện với đồng nghiệp, nhân viên,… trong trường. Tính cách thẳng thắn, chân thành, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn. Cô luôn tâm niệm: “Mình sống cần có tâm”, mình cứ mở lòng, cứ cho đi thì sẽ nhận được nhiều điều quý giá hơn, làm cho cuộc sống thật ý nghĩa. Cô còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo. Những năm gần đây, cùng với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường, cô luôn đóng góp ủng hộ và tham gia những chuyến thiện nguyện cùng nhà trường. Trong các phong trào nhân đạo nhà trường phát động, cô giáo Tâm đều tích cực tham gia. Khi nhà trường phát động “Chương trình máy tính cho em”, cô Tâm cũng ủng hộ 5.000 000 đồng. Hàng năm, trường Nguyễn Trãi tổ chức chuyến thiện nguyện lên giúp đỡ học sinh vùng cao, cô cũng ủng hộ tích cực. Vừa qua cô tham gia ủng hộ nạn nhân trong vụ cháy ở Khương Hạ 2 000 000 đồng. Mặc dù số tiền cô Tâm ủng hộ chưa phải là nhiều nhưng đó là tấm lòng, là sự chia sẻ, cảm thông. Với tinh thần tương thân tương ái.
Với đồng nghiệp, cô Tâm luôn chan hòa, gần gũi, chia sẻ với chị em lúc vui, lúc buồn và sẵn sang giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn. Là Khối trưởng chủ nhiệm, đồng chí luôn gương mẫu đi đầu trong công việc, uy tín, luôn động viên khuyến khích chị em trong tổ hoàn thành tốt công việc của khối, của trường. Chính vì thế mà công tác chủ nhiệm của tập thể giáo viên khối 5 luôn được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao.
Cô giáo Tạ Thị Tâm xứng đáng là tấm gương đầy nhiệt huyết, tận tâm và sáng tạo. Những điểm mới trong phương pháp giáo dục của cô được lan toả trong đồng nghiệp, được các bậc cha mẹ học sinh và học sinh tin tưởng, yêu quý… Một tấm gương góp phần làm đẹp ngôi nhà thứ hai của trò, làm đẹp hình ảnh người giáo viên trong ngành giáo dục hiện nay. Chắc chắn rằng ngành giáo dục của chúng ta sẽ có nhiều thầy cô mẫu mực – những “Kĩ sư tâm hồn” như vậy.