Tôi vẫn nhớ hôm đó chị dạy bài Luyện từ và câu “Từ nhiều nghĩa”, từng bước lên lớp, từng câu hỏi chị đưa ra cho học sinh rất tự nhiên, logic, học sinh hào hứng từng bước khám phá kiến thức. Tôi cũng bị cuốn vào tiết học ấy. Một tiết học đúng như lời Bác Hồ từng dặn dò các nhà giáo “Cách dạy vui vẻ, nhẹ nhàng, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”. Từ tiết dạy đó, với tôi chị không chỉ là đồng nghiệp mà chị còn là người thắp lửa yêu thương, người truyền cảm hứng cho tôi và biết bao lứa giáo viên trẻ nói riêng cùng bao lớp học sinh thân yêu của trường Tiểu học Nguyễn Trãi thân thương này. Người chị đó chính là cô giáo Đặng Thị Nương. Nhắc đến chị có lẽ những ai đã từng gặp chị sẽ không thể quên được vẻ đằm thắm, dịu dàng nữ tính và đặc biệt là chất giọng ngọt ngào, truyền cảm của một cô giáo tiểu học xuất thân từ học sinh chuyên văn của một trường THPT có tiếng của Hà Nội.
\
Tam
tự kinh từng có câu: “Giáo bất nghiêm sư chi đọa - giáo dục không nghiêm là lỗi
ở người thầy”. Đặc biệt chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Các thầy cô giáo phải trở
thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo, phải kiểu mẫu về tư
tưởng, đạo đức, lề lối làm việc.” và “Một tấm gương sống còn giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”.
Vâng cô Đặng Thị Nương là một tấm gương như thế. Hơn ba mươi năm trong nghề,
bao thế hệ học trò đã qua bàn tay chăm chút, uốn nắn, dạy bảo của cô nay đã trưởng
thành và thành đạt. Một cảm nhận chung của học sinh khi được là học sinh của của
cô đó là là Hạnh phúc. Hạnh phúc vì cô vô cùng tâm huyết và yêu thương học trò.
Hạnh phúc vì cô tỉ mỉ chi chút chăm lo cho từng học sinh. Hạnh phúc vì cô luôn
lắng nghe và thấu hiểu học trò của mình. Ai cũng biết giáo viên chủ nhiệm là một
chuyên gia tâm lí. Cô chính là một chuyên gia tâm lí cừ khôi. Cô Nương nhẹ
nhàng lắng nghe các con. Các con tin tưởng cô và chia sẻ. Và sau những câu chuyện
chia sẻ là nét mặt rạng rỡ của học trò, là những thay đổi tích cực thể hiện qua
thành tích học tập của học sinh. Các con học sinh chia sẻ: “Khi nói chuyện cùng
cô Nương chúng con cảm thấy không có khoảng cách nào. Cô thật gần gũi, cô
như ở trong chúng em, hiểu hết mọi âu lo
muộn phiền của chúng em.”
Cũng chính vì với chị học sinh luôn là trung tâm, luôn ở vị trí đặc biệt nên chị luôn tỉ mỉ, cẩn thận tìm tòi, đào sâu nghiên cứu bài giảng. Dự giờ chị mới thấy cách chị chuẩn bị bài công phu chu đáo làm sao. Đó là sự chuẩn bị của một trái tim đầy nhiệt huyết và say mê với nghề. Tôi chẳng thể nào quên được tiết học chị dạy bài Tập đọc “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Bằng tài năng và sự sáng tạo của mình, chị đã đưa lớp học đến với không gian phóng khoáng của đất trời Việt Bắc trong mùa thu mới thắng lợi của cách mạng. Để rồi người dạy và người học đều cảm nhận được khí thế hào hùng nhưng vẫn vô cùng lãng mạn của những chàng trai Hà thành “Người ra đi đầu không ngoảnh lại – Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Những giờ học chị dạy không phải bằng tài năng mà bằng tâm huyết của một cô giáo nặng lòng với nghề, nặng lòng với học trò và có trách nhiệm với tương lai của những đứa trẻ ấy, tương lai của đất nước này. Hai danh hiệu giáo viên giỏi cấp Thành phố và vô số các giải giáo viên dạy giỏi cấp Quận, cùng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong nhiều năm liền... thật là phần thưởng xứng đáng dành cho chị.
Từ việc giảng dạy của giáo viên đến việc học tập của học sinh, kết hợp với CMHS và nhà trường chăm sóc các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chị còn đi đầu trong những phong trào từ thiện nhân đạo do nhà trường hoặc các cấp các ngành phát động. Những ngày học sinh phải nghỉ học do covid – 19, chị cùng Ban giám hiệu và một số thầy cô giáo đến tận nhà trao quà cho những học sinh không có máy tính để học online. Trong những chuyến đi thiện nguyện của nhà trường trao quà cho bệnh nhi ung thư ở các cơ sở điều trị, chị không chỉ hăng hái tham gia mà còn là nhà tài trợ vàng nhưng luôn ẩn danh.
Hoàn toàn không chủ quan nếu nói rằng tất cả đồng nghiệp đều dành cho chị tình cảm trân quý. Trân quý bởi cách cư xử của chị với mọi người luôn thân thiện, cởi mở. Trân quý vì chị luôn quan tâm và giúp đỡ mọi người, chỉ cần là giúp được chị không ngại chia sẻ. Chị có thể hi sinh ngày cuối tuần để giúp đồng nghiệp thực hiện ý tưởng xây dựng bài giảng. Chị có thể dành thời gian nghỉ ngơi để đến với chị em khi cần tâm sự. Với giáo viên trẻ, chị tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, dìu dắt. Cứ như vậy chỉ cần mọi người cần chị sẽ không nề hà. Chị là kiểu người nếu mình là bóng râm sẽ kéo người khác đứng vào cho đỡ nắng. Vì vậy chị luôn sẵn lòng giúp đỡ các đồng nghiệp.
Đôi lúc tôi tự hỏi một ngày có 24 tiếng vậy mà công việc, mọi mối quan hệ chị đều chu toàn vậy chị dành thời gian cho gia đình như thế nào? Câu trả lời là chính cách làm việc khoa học đã giúp chị luôn có thời gian trò chuyện cùng con, học cùng con và trưởng thành cùng con. Hai con trai của chị đã phương trưởng, cậu lớn đã có gia đình và sự nghiệp riêng, còn cho chị lên chức bà nội. Cậu thứ hai là giảng viên trẻ tài năng của trường Đại học Dược Hà Nội và đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ của một trường Đại học trong Top đầu thế giới về đào tạo dược của Vương quốc Anh. Làm cô giáo, làm vợ, làm mẹ và nay là làm bà nội… ở vị trí nào chị cũng làm tròn vai. Thật ngưỡng mộ và cảm phục biết bao!
Nhớ lời Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy cô giáo phải gương mẫu nhất là đối với trẻ con.” Là một đảng viên, có lẽ chị hiểu hơn ai hết lời dạy của Bác. Vì thế mà ở con người chị tôi cảm nhận tài đức hài hòa hội tụ. Chị xứng đáng là giáo viên thế hệ Hồ Chí Minh. Chị không chỉ truyền cảm hứng cho các cô cậu học trò trong sáng ngây thơ. Mà với tôi, chị chính là người thắp lửa yêu thương – người truyền cảm hứng.