Bước chân vào sau cánh cổng trường học, người ta thường nghĩ đến các thầy cô giáo – những người trực tiếp giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học trò. Nhưng có một người được tôn vinh làm Thầy và cũng có những đóng góp to lớn cho nhà trường. Đó là nhân viên y tế, hay được các con học sinh gọi với cái tên thân thương “Cô y tế”
Tôi còn nhớ, ngày tôi mới về công tác tại trường, tôi được phân công giảng dạy lớp 1.Vào một ngày cuối năm tháng 9, bé Lê Anh Đức lớp tôi vào buổi chiều có dấu hiệu bị mệt, sốt. Đó là học sinh đầu tiên của tôi phải xuống phòng y tế. ...Sau khi xuống phòng y tế, bé đã được cô Liên thăm khám, đo nhiệt độ và cho uống thuốc tại chỗ. Từ việc dìu cháu lên giường cho đến thái độ lo lắng từng chút của chị chẳng khác gì hình ảnh của một người mẹ đang ân cần chăm sóc bé Đức.Tôi đã để cháu ở lại và yên tâm quay về lớp. Biết cháu muốn về nhà nghỉ mệt, chị Liên đã gọi điện thông báo cho tôi để gọi gia đình đến đón. Khi mẹ cháu đến, chị đã ân cần hướng dẫn mẹ cháu cách chăm sóc bé ở nhà... Nhìn những việc làm ấy của chị, tôi và mẹ cháu vô cùng xúc động.
Hỏi các đồng nghiệp khác tôi được biết, chị luôn dịu dàng, tận tâm với học sinh như vậy. Những công việc như thế vẫn diễn ra ngày hai buổi đối với chị. Chị luôn gần gũi, yêu quý học sinh và luôn coi các em cũng giống như con cháu mình. Thỉnh thoảng nhìn chị cặm cụi rửa vết thương, dỗ dành từng bé uống thuốc, không ít người nghĩ đó là hình ảnh đẹp của tình mẫu tử thương yêu. Nhìn thấy học sinh gặp tai nạn khi đùa giỡn, chị lo bằng nỗi lo người mẹ vì sợ các cháu đau đớn. Chính nhờ sự ân cần, dịu dàng,tận tụy chăm sóc của chị mà các con học sinh đỡ sợ khi ốm, mệt hay bị ngã; phụ huynh thêm yên tâm khi đưa con đến trường. Sau đó, dù chỉ là một lời cảm ơn từ phía phụ huynh, chị cũng đã vô cùng xúc động, đã giúp cho chị thấy mình thêm yêu công việc của mình.
Với ngôi trường có gần 2.600 học sinh, công việc của chị rất vất vả. Không giống như các công việc khác, từ 7 giờ sáng cho đến 5 giờ 30 phút chiều là thời gian làm việc “thông tầm” của chị. Thế nhưng, áp lực công việc và đồng lương nhân viên y tế lại tỷ lệ nghịch với nhau. Nhưng nhờ lòng yêu thương trẻ nhỏ, chuyên môn tốt, nên tất cả công việc chị đều hoàn thành xuất sắc.
Tâm sự với chị tôi được biết, chị luôn tâm niệm làm sao trở thành một nhân viên y tế học đường đúng nghĩa của nó. Ngoài những kiến thức về chuyên môn đã được học trong trường, chị còn luôn chịu khó học hỏi qua sách báo, mạng internet, đặc biệt là những đợt tập huấn chuyên ngành từ trung tâm y tế Quận, Hội Chữ thập đỏ...Không những vậy, chị còn đọc rất nhiều sách tìm hiểu về tâm lý trẻ em để dỗ dành, giúp các em an tâm hơn khi ốm, mệt hay tai nạn học đường xảy ra.
Chị Liên - nhân viên y tế trường tôi là tấm gương về một con người thầm lặng, nghiêm túc, chỉnh chu cho công việc của mình, được rất nhiều giáo viên, học sinh yêu quý, tin tưởng. Chị Liên sinh năm 1974, gắn bó với nghề gần 30 năm song trông chị còn trẻ, dáng người nhỏ nhắn nhưng trông rất phúc hậu với nụ cười luôn nở trên môi. Trong công việc của mình, chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Dù là người không quyết định trực tiếp đến thành tích học tập của nhà trường nhưng chị giữ một vai trò hết sức quan trọng, giáo viên, học sinh hễ ốm mệt, sốt,đứt tay, chảy máu đến đau đầu, đau bụng,…Ai ai cũng xuống cô y tế đầu tiên. Nhìn chị chăm sóc các con học sinh, hỏi han, dỗ dành chẳng khác nào người mẹ. Công việc của chị ngoài việc lập kế hoạch hoạt động y tế học đường theo năm còn lập nhiều kế hoạch y tế khác theo từng “mùa” dịch bệnh, theo từng diễn biến thực tế của các bệnh có thể bùng phát trong trường học, chị còn là người quản lý hồ sơ y tế của tất cả học sinh trong trường, nắm vững bệnh lý của từng trường hợp đặc biệt, cần lưu ý trong trường. Thực tế có những em trong khi khám sức khoẻ định kỳ đã phát hiện ra một số bệnh mới chớm (như tim mạch, mắt, cột sống…), chị tiếp nhận và thông báo kịp thời đến gia đình. Với tình hình bệnh dịch phức tạp hiện nay, chị Liên còn chịu trách nhiệm chính trong việc phòng các bệnh trong trường học như sốt xuất huyết, cúm A, bệnh tay chân miệng, viêm não mô cầu... Không những vậy, chị cũng là người chịu trách nhiệm chính về mọi vấn đề y tế học đường của thầy cô giáo và học sinh mà chị còn chịu trách nhiệm trong việc vệ sinh ATTP trong trường học nên công việc của chị Liên còn nặng nề hơn. Không những phải đồng thời cùng Ban giám hiệu chịu trách nhiệm, kiểm tra về vấn đề an toàn VSTP trong bếp ăn bán trú của trường mà còn phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhà bếp. Mỗi sáng, chị đến từ sớm để thực hiện các mẫu test về độ an toàn của rau, thịt,...Đến giờ vào lớp, chị đi khắp trường kiểm tra vệ sinh khung cảnh sư phạm, rồi đến trưa lại lấy mẫu thức ăn lưu giữ tủ lạnh. Công việc của chị tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và chính xác. Đến giờ học sinh ngủ trưa, chị còn đi kiểm tra nhắc nhở giáo viên thay phiên nhau thức để còn để ý các học sinh trong khi ngủ, chị còn được phân công giao, nhận sữa cho trường. Cứ thế, công việc cuốn chị như thoi đưa.
Những niềm vui và nỗi buồn gắn bó với trường trong suốt 13 năm qua tại trường đã giúp chị hiểu rất rõ công việc mình đang làm. Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho giáo viên, học sinh, chị còn làm rất nhiều các công viêc kiêm nhiệm khác. Công tác vận động tuyên truyền chăm sóc sức khỏe học đường được chị làm thường xuyên và có hiệu quả. Các hình thức tuyên truyền của chị rất đa dạng, phong phú, thu hút các phụ huynh học sinh và giáo viên tham gia. Qua các buổi tuyên truyền của chị, các cô và phụ huynh học sinh nắm thêm được nhiều kiến thức về cách phòng tránh một số dịch bệnh, tầm quan trọng của uống sữa học đường hay lợi ích của việc tập thể dục thể thao...Khoác chiếc áo blouse trắng, bằng sự sự dịu dàng, ân cần, chị đã truyền cho các con các kiến thức chuyên môn của mình. Hình ảnh của chị rất đẹp trong lòng các con. Các con rất tin những lời dạy của thiên thần áo trắng, của “mẹ Liên”.
Hiểu rất rõ tầm quan trọng của thể dục, thể thao đối với sức khỏe của con người, chị thường cùng Ban giám hiệu nhà trường nhắc nhở, giáo viên chúng tôi và các em học sinh không chỉ làm việc và học tập sinh hoạt điều độ mà còn tăng cường tham gia các hoạt động thể dục thể thao để cơ thể luôn khỏe mạnh. Năm nào cũng vậy, các phong trào thể dục thể thao của trường tôi đều diễn ra vô cùng sôi nổi, mạnh mẽ. Tham các các hoạt động có ích như vậy, chúng tôi thêm yêu trường lớp, đoàn kết, gần gũi với nhau hơn. Công lao của chị góp phần không nhỏ vào hoạt động thể thao vui khỏe có ích của trường tôi, giúp cho nó ngày càng càng phát triển mạnh.
Chị Liên luôn là một trong những thành viên năng nổ đi đầu trong các phong trào do nhà trường và cấp trên phát động. Với giọng ca mượt mà, truyền cảm, chị đã cùng đội văn nghệ nhà trường tham gia các hội thi tiếng hát do trường tổ chức và đạt được những thành tích đáng khích lệ; hàng năm chị Liên tham gia đội kéo co của nhà trường với vị trí vận động viên và nhân viên chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong đội đạt được các thành tích cao đạt giải Nhất thi đấu thể thao CNVC do cấp trên tổ chức trong nhiều năm liền.
Chị Liên – Người đứng đầu đội kéo co
Chị Liên – Người thứ ba từ trái sang
Thật đáng quý khi phẩm chất nổi trội của chị được tập thể nhìn thấy rõ từng ngày. Đó là sự năng động, tháo vát và nhiệt tình, tận tâm với nghề. Ở đâu có công việc lớn bé dù không phải là trách nhiệm của mình nhưng chị vẫn tình nguyện xắn tay vào giúp sức theo khả năng của mình. Theo chị, chị có thể làm tốt được mọi việc như vậy là nhờ chị tin yêu của tập thể nhà trường, của phụ huynh, học sinh.
Từ tháng 1/2019, khi Thành phố thực hiện Đề án sữa học đường, chị Liên lại được Ban giám hiệu tin tưởng giao cho việc phụ trách sữa học đường. Thế là mỗi buổi nửa buối sáng chị lại có nhiệm vụ phát sữa cho các lớp, buổi chiều trước khi về chị lại ngồi kiểm kê lại kho sữa tồn cuối ngày. Giáo viên chúng tôi vẫn đùa nhau “chị Liên đỡ phải giảm cân vì ngày nào cũng đi vài vòng khắp trường còn gì”. Không chỉ có vậy, tất cả các cuộc thi đấu thể thao, những chuyến đi tham quan dã ngoại của thầy và trò đều không thể thiếu sự chăm sóc của chị. Mỗi lần như thế, chị rất chu đáo và tận tình, chuẩn bị mọi thứ đâu ra đấy khiến thầy và trò lúc nào cũng yên tâm.
Mỗi lần có đoàn kiểm tra y tế về trường, Ban giám hiệu luôn yên tâm. Và niềm tin đó được đánh giá bằng chính những kết quả mà đoàn kiểm tra nhận xét. Lúc nào sổ sách, hoạt động về y tế của trường cũng được đánh giá Xuất sắc.
Trong công việc, chị là người cẩn thận, luôn hoàn thành tốt mọi việc được giao. Và trong gia đình, chị cũng là người mẹ tảo tần, hi sinh, hết lòng vì gia đình. Chồng chị công tác bên trung tâm văn hóa nên gần như không mấy khi ở nhà. Vì thế, trong gia đình từ việc nhỏ như dọn dẹp, lau nhà cửa đến những việc cơm nước, chăm sóc con cái, lo toan hai bên nội, ngoại,…đều một tay chị lo hết. Ấy thế mà chưa bao giờ chúng tôi thấy chị kêu ca, phàn nàn hay cáu bẳn vì mệt mỏi. Chị vẫn nhẹ nhàng, tình cảm, vẫn làm việc bằng cả tình yêu và lòng đam mê. Chị khiến chúng tôi ngưỡng mộ, khâm phục vô cùng! Mỗi lần, trường phát động tình nguyện hiến máu, chị luôn ghi danh sách đầu tiên.
Trong thời gian vừa qua, cả nước chung tay phòng chống dịch viêm đường hô hấp SARS-COVID 19, với sự chỉ đạo trực tiếp của UBND quận và Phòng giáo dục, nhưng chị luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền về phòng chống COVID -19. Chị đã bắt tay ngay vào những công việc cần làm và cấp thiết nhất để có phương án phòng tránh bệnh tốt nhất cho nhà trường như: chị tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch, kế hoạch vệ sinh khử khuẩn hàng tuần, kế hoạch mua sắm các trang thiết bị, các chất tẩy rửa thông thường như: xà phòng rửa tay, nước sát khuẩn tay nhanh, vim tẩy bồn cầu, nước lâu sàn, giấy vệ sinh, ….
Chỉ đạo sát sao công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn đồ dùng bán trú, vệ sinh khử khuẩn trường lớp được ban giám hiệu rất tin tưởng khi giao cho nhiệm vụ.
Chị còn tham mưu với Ban giám hiệu về mua sắm trang thiết bị, đồ dùng như: nước sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, khăn mặt, ….để chuẩn bị đón học sinh đi học chở lại khi hết dịch:
Ngoài ra chị còn cùng Ban giám hiệu xây dựng kịch bản ứng phó và tập huấn cho CB,GV,NV khi có CB, Gv, NV và học sinh bị nhiễm SARS-COV-2 khi đi học trở lại rất thiết thực và cần thiết.
Khi biết tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, học sinh sẽ được nghỉ học dài, chị đã tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường hướng dẫn các GV, NV trong trường giặt sạch sẽ tất cả đồ dùng cá nhân của học sinh rồi cất xếp, bảo quản sạch sẽ ngăn nắp, gọn gàng.
Không những thế mà chị còn tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường phát động CB,GV, NV phối hợp với phường Khương Trung và đoàn thanh niên trong phường tuyên truyền, phát tờ rơi tới từng hộ gia đình và đứng ở các điểm chốt như chợ dân sinh Khương Trung để tuyên truyền hướng dẫn bà con đi chợ phải đeo khẩu trang và dãn khỏang cách quy định:
Qua đó, chị được rất nhiều phụ huynh học sinh tin tưởng và yêu mến. Lúc nào chị cũng về muộn nhất trường khi trong trường không còn một bóng học sinh, một bóng người nào nữa thì chị mới yên tâm ra về.
Thầy thuốc là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh. Có những người trực tiếp cứu chữa người bệnh, làm việc trong các cơ sở y tế. Cũng có những thầy thuốc “mang quân hàm xanh” như các chiến sĩ biên phòng. Lại có nhiều thầy thuốc với những đóng góp thầm lặng mà cực kỳ quan trọng bởi việc làm của họ đã góp phần không nhỏ đến chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh, phòng các bệnh hay mắc ở học đường như cô y tế trường tôi. Mong chị sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc cao quý mà thầm lặng của mình.